Cày Phim Đêm

7 quyền lợi lớn cho mẹ ngay sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, bắt đầu đi làm trở lại

28042

6 tháng nghỉ thai sản trôi qua nhanh thật! Mới đó mà đã phải đi làm lại rồi, có mẹ nào đi làm mà không luyến lưu muốn ở lại với con thêm vài ngày nữa đâu?

Nhưng dù muốn hay không, với nhiều mẹ, vì hoàn cảnh gia đình, phải đi làm đó thôi. À, đi làm lại, mẹ hãy nhớ rằng, mình có nhiều quyền lợi lắm nha! Mẹ cần biết để tự bảo vệ chính bản thân mình nếu như quyền lợi bị xâm phạm.

#1. Mẹ được nghỉ thêm nếu chưa phục hồi sức khỏe sau 06 tháng

Sau 06 tháng nghỉ thai sản, nếu sức khỏe của mẹ thực sự chưa phục hồi thì vẫn có thể nghỉ thêm từ 05 ngày đến 10 ngày trong khoảng thời gian 30 ngày đầu đi làm lại. Nhưng tổng số ngày này được tính bao gồm cả ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Số ngày nghỉ này sẽ do công ty và Ban Chấp hành công đoàn công ty (nếu có) quyết định. Tùy theo mẹ sinh con như thế nào mà số ngày nghỉ được quy định cụ thể như sau theo Khoản 2 Điều 41 của Luật bảo hiểm xã hội 2014:

– Tối đa 10 ngày nếu mẹ sinh đôi, sinh ba.

– Tối đa 07 ngày nếu mẹ sinh mổ.

– Tối đa 05 ngày với trường hợp còn lại.

Những ngày nghỉ ngày, mẹ không được công ty trả lương, bù lại, mẹ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, cứ mỗi ngày nghỉ được hưởng 447.000 đồng.

#2. Mẹ được nghỉ 60 phút mỗi ngày trong giờ làm việc

Mục đích là để cho con bú, vắt, trữ sữa và nghỉ ngơi. Chế độ này được áp dụng cho đến khi con đủ 12 tháng tuổi. Nên nhớ, thời gian nghỉ này mẹ vẫn được hưởng đủ lương theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Trong trường hợp không cho lao động được hưởng quyền này, công ty có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo Khoản 2 Điều 18 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.

EmRZsLedIjhJwg6jJsmWuREEFdvMJGRbvGHdhtD9RKH6Ok82BfhACHSxzFgv9Nc5lOedVmUvEASbqxrAQrmdW-pYAWYtsw
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đời sống Việt Nam và Báo Dân Sinh

#3. Mẹ được nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh

Vấn đề này được áp dụng với tất cả lao động nữ, không phải chỉ riêng mẹ sau sinh đâu. Mẹ được nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh và ít nhất là 03 ngày trong một tháng. Trước khi nghỉ mẹ phải báo cho công ty biết để tiện sắp xếp công việc. Và thời gian nghỉ này cũng được tính đủ lương theo hợp đồng lao động đã thỏa thuận. Nếu công ty không cho mẹ được hưởng quyền này, thì họ vẫn có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng theo Khoản 1 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.

#4. Mẹ không bị sa thải

Bộ luật lao động năm 2012 nghiêm cấm áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải với mẹ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi dù bất cứ lý do gì. Còn tùy ở mức độ hậu quả nghiêm trọng gây ra mà người trực tiếp sa thải mẹ có thể bị phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo Khoản 2 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP hay bị xử lý hình sự theo Khoản 2 Điều 162 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức án là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm, ngoài ra, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm cho đến 05 năm.

#5. Mẹ không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do đang nuôi con nhỏ

Khác với trường hợp sa thải, nếu thuộc một trong các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì mẹ vẫn có thể bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Còn nếu công ty dùng lý do mẹ đang nuôi con nhỏ, dưới 12 tháng tuổi để đơn phương chấm dứt hợp đồng thì điều này là hoàn toàn trái luật. Công ty có thể bị phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, và phải bồi thường thiệt hại ít nhất là 02 tháng lương theo quy định của Bộ luật lao động hiện hành.

#6. Không phải làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa

Đây là đặc quyền của mẹ sau sinh con đi làm trở lại. Trường hợp vi phạm, công ty vẫn có thể bị phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

#7. Con bị bệnh được hưởng chế độ ốm đau

Con nào mới sinh ra mà không bệnh hoạn, ốm đau. Vì thế, những ngày con ốm đau, dù không đi làm, không được công ty trả lương, nhưng bù lại, mẹ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Phụ thuộc vào độ tuổi của con mà thời gian mẹ được nghỉ tối đa trong 01 năm như sau:

– Tối đa 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi.

– Tối đa 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.

Thời gian này không kể ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Nếu cha và mẹ cùng đi làm, có đóng bảo hiểm xã hội, thì chỉ có cha hoặc mẹ được hưởng chế độ này. Vì thế, mẹ nên cân nhắc thời gian nghỉ thay phiên giữa cha và mẹ để đảm bảo thời gian chăm sóc con được nhiều hơn.

Cứ mỗi ngày nghỉ thì mức hưởng được tính bằng 75% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chia cho 24 ngày.

Lưu ý, mức hưởng mỗi ngày nhiều hay ít còn tùy thuộc vào mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của mẹ, đóng nhiều sẽ được hưởng nhiều, đóng ít sẽ được hưởng ít.