Cày Phim Đêm

Cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh giúp bé dễ thở, ăn ngon ngủ tốt

32

Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh sẽ làm bé khó chịu vì hô hấp không được bình thường. Các mẹ nên chuẩn bị cho mình cách điều trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh hiệu quả, giúp bé thoát khỏi tình trạng này.

1. Nguyên nhân gây nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh

Khi các mạch máu và mô trong khoang mũi chứa quá nhiều chất nhầy sẽ khiến trẻ nghẹt mũi. Nghẹt mũi có thể làm cho trẻ sơ sinh khó ngủ và dẫn đến viêm xoang nếu không được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, việc ăn uống của trẻ cũng sẽ khó khăn hơn khi bé bị nghẹt mũi.

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có thể vì những bệnh do vi-rút gây ra như cảm cúm, sốt, ho… hoặc là dị ứng. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, khó thở do dị ứng, các mẹ nên chú ý đến các triệu chứng của con như sốt, phát ban, đau bụng…

cach tri nghet mui cho tre so sinh giup be de tho, an ngon ngu tot - 1

Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh sẽ khiến trẻ khó ăn, khó ngủ, dẫn đến chậm lớn. (Ảnh minh họa)

Đôi khi, trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có thể vì thức ăn hay dị vật mắc vào mũi của bé. Nếu gặp phải trường hợp này, bạn nên đưa ngay con đến bác sĩ và đặc biệt không tự mình lấy dị vật ra khỏi mũi của bé.

2. Cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh

– Dùng nước muối sinh lý loãng

Nước muối loãng sẽ làm các chất nhầy bị kẹt trong mũi bé mềm hơn. Sau khi nhỏ từ 1 – 2 giọt vào mũi trẻ, bạn hãy dùng dụng cụ hút mũi để làm sạch mũi cho con. Nếu có thể, bạn nên làm việc này trước bữa ăn để loại bỏ các “cục khó chịu” này ra khỏi mũi con, giúp bé ăn dễ dàng hơn.

Xem video: Cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý

– Lấy gỉ mũi ra khỏi mũi bé thường xuyên

Đôi khi, các chất nhầy quá nhiều sẽ đông lại và kẹt cứng trong mũi của bé, khiến việc thở trở nên khó khăn hơn. Để loại bỏ gỉ mũi cho con, các mẹ hãy lấy một miếng bông nhỏ vừa bằng lỗ mũi trẻ, làm ẩm bằng nước ấm và nhẹ nhàng lau sạch mũi cho con.

– Sử dụng máy làm ẩm trong phòng

Việc làm tưởng chừng không liên quan này lại rất có hiệu quả trong cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh. Một máy làm ẩm đặt trong phòng sẽ giúp không khí ẩm hơn, giúp cho bé giảm nghẹt mũi và gỉ mũi cũng tự động mềm ra. Tuy nhiên, các mẹ nên vệ sinh máy làm ẩm thường xuyên để tránh nấm mốc.

– Vỗ nhẹ lên lưng trẻ

Hành động vỗ một cách nhẹ nhàng lưng trẻ khiến cho chất nhầy trong ngực trẻ giảm bớt. Bạn có thể đặt con nằm trên đùi và vỗ hoặc mát-xa nhẹ nhàng lưng bé.

cach tri nghet mui cho tre so sinh giup be de tho, an ngon ngu tot - 2

Các mẹ nên chú ý vệ sinh mũi cho bé thường xuyên để tình trạng nghẹt mũi không xảy ra. (Ảnh minh họa)

– Nhận biết được khi nào là triệu chứng của bệnh

Điều này cực kì quan trọng vì trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khá thường xuyên. Đôi khi, đây có thể là triệu chứng của bệnh nhưng cũng có thể chỉ vì bé chưa được vệ sinh mũi thôi. Nếu con của bạn bị nghẹt mũi mà vẫn ăn uống, vui chơi bình thường thì mẹ nên chú ý vệ sinh mũi cho con thường xuyên, kĩ càng hơn để giúp con không bị việc này làm phiền nữa.

Theo bác sĩ Vũ Minh trên Báo Sức khỏe & Đời sống, khi trẻ bị nghẹt mũi, cha mẹ cần vệ sinh làm thông thoáng mũi; làm mềm vẩy cứng; loãng dịch nhầy đóng nghẹt trong mũi để dễ đào thải ra ngoài; giúp trẻ dễ thở, đào thải các mầm bệnh, cải thiện tình trạng sinh hoạt và vận động của trẻ.

Có thể sử dụng dung dịch nhỏ mũi là nước muối sinh lý 0,9% làm loãng dịch mũi để dễ dàng làm sạch mũi: nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào từng lỗ mũi, chờ vài phút, sau đó làm sạch mũi. Có thể sử dụng dụng cụ hút mũi cho trẻ, tuy nhiên cần lưu ý làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và vệ sinh thật sạch trước và sau khi sử dụng.

Để giúp trẻ dễ chịu hơn khi bị nghẹt mũi, cha mẹ nên bế trẻ ở tư thế thẳng, kê cao gối cho bé khi nằm, ngủ, vệ sinh tai mũi họng thường xuyên cho trẻ.

Theo Khám phá

>> Mẹ Việt chia sẻ “chiêu” rửa mũi “bất bại” cho con hết bệnh đường hô hấp

Rửa mũi cho bé là phương pháp cực kì hiệu quả để thông tắc mũi cho trẻ và ngừa các bệnh đường hô hấp. Thế nhưng không phải mẹ nào cũng có thể làm được việc này. Hãy cùng học hỏi kinh nghiệm của 1 mẹ Việt cực siêu trong vấn đề này nhé!

Là mẹ của một bé gái 2 tuổi cực kì đáng yêu, hay hát hay cười và rất tự lập, chị Võ Biên Thùy (mẹ bé Mun, Hà Nội) được rất nhiều bà mẹ biết đến trên mạng xã hội nhờ những kinh nghiệm chăm con hay ho được chia sẻ rộng rãi. Trong đó, “chiêu” rửa mũi giúp con hết ngạt, sổ mũi và ngừa viêm đường hô hấp được không ít mẹ ngưỡng mộ, học hỏi vì cực hiệu quả với trẻ nhỏ. Hãy nghe bà mẹ một con giỏi giang này chia sẻ kinh nghiệm rửa mũi “bất bại” cho bé nhé!

Clip rửa mũi cho con của chị Thùy khiến mẹ nào cũng trầm trồ.

– Chào chị Thùy, từ đâu mà chị học được cách rửa mũi cho bé “thuần thục” như vậy? Chị áp dụng biện pháp này từ khi bé mấy tuổi và cảm thấy hiệu quả của nó ra sao?

Rất may là mình được chia sẻ cách rửa mũi cho bé từ khi mới sinh bé được 3 tháng từ chị chồng. Đến giờ bé nhà mình hơn 2 tuổi và với mình, đây thực sự là “thần dược” trong quá trình nuôi con.

Me Viet chia se

Chị Võ Biên Thùy và con gái – bé Mun.

Hai năm chưa từng phải dùng 1 liều kháng sinh cho con

– Nhiều mẹ nói rằng họ rất “run tay” nên không dám thử với con. Chị thì sao, vì đâu chị lại quyết định chọn phương pháp này thay vì cho con uống thuốc ?

Lần đầu tiên mình rửa mũi cho bé là khi con được 5 tháng tuổi. Khi đó thấy bé ti mẹ rất khó khăn vì bị ngạt mũi, ti được 1 hơi lại bỏ ra để thở. Ngạt mũi kèm theo ho nên bé ngủ rất khó. Chị chồng mình lên thấy vậy nên mới bảo mình chuẩn bị dụng cụ để rửa mũi cho con.

Không biết phải diễn tả lại thế nào, nhưng lúc đó, chứng kiến cảnh con mình bị đè ra rửa, cháu khóc gào ghê lắm! Mình chưa chứng kiến cảnh đó bao giờ nên hoảng vô cùng. Thương con, xót con, sợ hãi…. Nói chung cảm giác của mình lúc ấy cũng rất khủng khiếp. Sau đó, cứ khoảng 3 – 4 tiếng lại phải rửa 1 lần. Mình toàn phải nhờ ông xã bế cháu xuống nhờ bác cháu rửa hộ chứ nói thật mình không đủ bản lĩnh để chứng kiến con lần nữa. Ngồi trên nhà nghe tiếng con gào khóc mà cảm thấy như dao cứa. Sau lần đầu tiên đấy, cũng có 1 vài lần cháu bị ngạt mũi và mình vẫn chưa dám tự rửa cho con, vẫn vác con xuống nhờ chị chồng rửa hộ.

4 tháng sau, khi thấy hiệu quả quá tốt của nước muối sinh lý và rửa mũi, cũng là lúc mình quyết tâm phải học để còn tự làm cho con. Vì nhiều khi giữa đêm cháu ngạt mũi không ngủ được, mẹ lại không thể tự rửa cho con, bản thân mình thì không muốn dùng thuốc cho bé nên 2 vợ chồng cứ phải thay nhau bế. Sau đó thì lên dây cót tinh thần, lấy can đảm hết mức mới dám tự rửa cho con. Vài lần đầu mình cũng run tay và lóng ngóng lắm! Nhưng quyết tâm vì sức khỏe của con nên giờ mình cũng khá chuyên nghiệp rồi (cười).

Nói thật là đến giờ vẫn thấy mình quá may mắn khi được dạy cách rửa mũi cho con từ khi mới sinh. 2 năm nay, mình thực sự coi đây là “thần dược” của bé. Cũng nhờ cách này mà trộm vía bạn Mun nhà mình chưa từng phải dùng 1 liều kháng sinh.

Me Viet chia se

Bé Mun 2 tuổi, rất đáng yêu và không còn khóc khi được mẹ rửa mũi.

– Có nhiều ý kiến cho rằng rửa mũi có thể gây “tai nạn” cho con, nhất là dễ khiến con bị tổn thương niêm mạc mũi. Theo kinh nghiệm của bản thân chị thì sao, và cần lưu ý những gì khi rửa mũi cho bé?

Gần đây, mình cũng nghe và đọc nhiều bài viết nói về việc rửa mũi cho con, cũng có thuận chiều, trái chiều. Nhưng mình thấy rửa vẫn hơn. Bé nhà mình cứ khi thấy con có dấu hiệu hắt-xì, tắc mũi, bú hơi khụt khịt là mình “đè” ra rửa ngay. Mũi sạch nên không bị chảy xuống họng, lên tai gây viêm họng, viêm tai. Quan trọng là rửa đúng cách các mẹ nhé! Lưu ý với các mẹ vài điểm sau:

– Để tránh tổn thương niêm mạc mũi bé, nên lựa chọn lọ nước muối bé loại đầu tròn, khi đặt vào mũi để bơm không nên ấn mạnh và chọc sâu. Mẹ phải kiểm soát được lọ nước muối trên tay, vì thời gian đầu mới rửa, bé sẽ chống cự và giẫy giụa rất mạnh. Tuyệt đối không dùng xi lanh vì áp lực lớn, con hoảng, mẹ cũng hoảng theo.

Nhà mình dùng lọ nước muối bé có đầu tròn như trong clip ạ. Mỗi lần mua 10 lọ bé và 10 lọ to, sau đó bơm từ chai to vào chai bé cho tiết kiệm.

– Trước khi rửa cho con, mẹ phải rửa tay xà phòng sạch sẽ, ngâm lọ nước muối bé vào gáo nước muối để sát khuẩn. Trước khi dùng nên bóc hết tem mác ngoài lọ cho sạch.

– Mỗi lọ nước muối chỉ nên dùng 1 tuần, vứt đi mua lọ mới, không nên tiết kiệm để lọ từ đợt này sang đợt khác, tránh nhiễm khuẩn cho con.

– Chuẩn bị khăn xô mềm để lau và rút được đoạn mũi đặc khi rửa.

– Nếu con bị mũi đặc, nên bơm liên tục cho mềm và tan phần dịch.

– Nếu trời lạnh, nên ngâm chai nước muối to vào nước ấm cho ấm lên rồi hãy bơm vào từng lọ bé. Nước lạnh quá sợ sưng niêm mạc mũi của con.

– Các mẹ lưu ý: Rửa phải thấy được mũi từ bên này chảy sang bên kia như thế mới đúng.

– Nếu con còn bé có thể đặt nằm nghiêng rồi bơm

– Con lớn thì có thể bế nghiêng như trong clip. Nếu con khóc và đạp quá thì nên nhờ 1 người giữ chân con.

– Nên cho bé nghiêng người là tốt nhất.

– Sau khi rửa xong không được bế ngửa con ra tránh nước muối chảy ngược vào trong.

– Nếu con nhiều đờm thì sau khi rửa mũi các mẹ nên thực hiện luôn cách vỗ long đờm.

Me Viet chia se

Gia đình hạnh phúc của chị Thùy.

Mẹ phải “lỳ”

– Làm thế nào để vượt qua cảm giác “run tay” và trấn an khi bé khóc lóc vì sợ hãi?

Nói thật, hồi đầu mình còn không dám nhìn con mình bị đè ra rửa cơ, thấy con khóc là mẹ cũng khóc theo rồi. Sau đó nghĩ kiểu gì cũng phải học để còn làm cho con vì không đi nhờ mãi được, nên quyết tâm học và dần cũng quen. Mình thuộc diện “yếu bóng vía” nhưng giờ “lỳ” hơn rồi (cười). Con khóc cứ kệ. Chỉ nghĩ làm sao nhanh tay rửa cho xong là con hết khóc.

Để cho bé đỡ sợ, kinh nghiệm của mình là vừa rửa vừa kể chuyện đánh lạc hướng bé. Không nên ghì bé chặt vì như thế bé càng hoảng, càng đạp mạnh. Mẹ cứ thoải mái kể chuyện, ví dụ: “À, mẹ kể con nghe nhé! Hôm nay mẹ vừa gặp bạn gấu đấy. Bạn gấu hỏi mẹ là con ở nhà có ngoan không? Bạn gấu còn khen là: Ôi bạn Mun rửa mũi giỏi lắm nhé! Không khóc tí nào luôn….”.

– Các ông bố có thể thực hiện việc này không? (Và anh xã có khi nào giúp chị rửa mũi cho con không ạ?)

Ồ, các ông bố cũng quan trọng lắm đấy! Khi rửa mũi nên có 2 người. Trong quá trình rửa để nhanh thì nên có 1 người bơm nước muối từ lọ to vào lọ bé để rửa, khi bé lớn hơn thì cần có bố giúp giữ chân để bé đỡ chống chếnh và đạp ít hơn. Nói chung nên có sự phối hợp giữa bố và mẹ.

Me Viet chia se

– Ngoài cách rửa mũi, chị có thể chia sẻ thêm vài “bí kíp” đề chăm con khỏe quanh năm không ạ?

Thực sự nuôi con là cả một quá trình, không ai nói hay được. Con hôm nay có thể khỏe mạnh nhưng chưa thể biết ngày mai con thế nào. Là người chăm con hàng ngày, mình chỉ có thể chắc chắn là cố hết sức, trang bị đầy đủ kiến thức, chia sẻ mọi băn khoăn, lo lắng với ông xã.

Với mình sau 2 năm nuôi con, có thể mọi người cho là mình nói hơi quá – Nhưng mình “tôn thờ” sữa mẹ và nước muối. Sữa mẹ giúp tạo kháng thể cho con hoàn thiện và cũng là nguồn cung cấp canxi tốt nhất, nhanh nhất cho con. Mẹ hãy luôn tin tưởng vào cơ thể mình, tin vào nhu cầu của con. Đừng bao giờ nghĩ sữa mình ít chất hơn sữa ngoài. Khi con bị sốt thì sữa mẹ thực sự là quý giá vô cùng.

Còn nước muối sinh lý thì mẹ có thể dùng để vệ sinh mắt, mũi, họng thường xuyên cho con giúp kháng khuẩn rất tốt. Tuy nhiên nếu điều trị bằng nước muối thì mẹ phải kiên trì và không được sốt ruột. Sau mỗi lần con ốm mà không dùng kháng sinh thì kháng thể của con lại tốt hơn.

Ngoài ra, khi con ho hung hắng, bên cạnh rửa mũi, bổ sung nước cho con, mình đều đặn ngâm chân cho con bằng gừng tươi và muối hạt với nước ấm. Sau đó bôi dầu nóng, massage và đi tất cho con.

Mình chỉ có vài kinh nghiệm “đút túi” đó thôi, vì đã áp dụng và thấy hiệu quả thực sự nên sử dụng đều đặn. Các mẹ có thể tham khảo nhé! Chúc các mẹ và bé luôn khỏe mạnh!