Người đàn ông dùng 36 năm miệt mài kêu gọi mọi người đào mương nước đi qua 3 quả núi. Ai nấy biết chuyện cũng phải ngã mũ thán phục tấm lòng và ý chí không khuất phục số phận của ông.
Cụ ông tên Hoàng Đại Pháp, là người đã dùng hơn 3 thập kỷ để đào mương nước dài 9400m, đi qua 3 quả núi cheo leo hiểm trở để về đến làng của mình. Để ghi nhớ công ơn của ông, người ta đã đặt tên công trình là Đại Pháp.
Vài chục năm trước, ngôi làng nằm ở độ cao 1250m so với mực nước biển rất khó khăn. Thiếu thốn nghiêm trọng chính là nguồn nước sạch. Người dân trong làng phải đi bộ tầm 2 tiếng mới đến được nơi có nước, rồi lại cõng về nhà. Thấu hiểu nỗi cơ cực, ông Hoàng đã quyết định triển khai kế hoạch đào mương nước ngay khi được bầu làm trưởng làng vào năm 1958.
(Ảnh: Sohu)
Là một người quyết đoán, ông không thể chấp nhận cảnh mọi người sống khổ sở vì nước là nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Thế nhưng ban đầu khi bắt tay vào công trình, do chưa có kiến thức về thủy lợi nên con mương đầu tiên dài 100m qua núi đã thất bại. Sau này, dù con mương không dùng được cho tưới tiêu nhưng đã được trưng dùng làm đường tắt cho mọi người trong làng.
Thất bại không nản, sau khi con mương đầu tiên không dẫn nguồn nước về cho làng, ông Hoàng đã bỏ công sức mài mò nghiên cứu kiến thức về thủy lợi. Nam đó là 1989, khi ấy ông đã 54 tuổi.
(Ảnh: sohu)
Vào năm sau đó, ngôi làng bị hạn hán kinh khủng và đó càng là lý do khiến ông Hoàng nhất định làm lại dự án mương nước cứu dân. Lần này, ông thuyết phục được chính quyền địa phương hỗ trợ 60.000 NDT (tầm 197 triệu đồng) và 190kg ngô. Những người dân trong làng cũng đồng lòng quyên góp được 13.000 NDT (tầm 43 triệu đồng) và bắt tay cùng ông Hoàng đào núi làm mương nước.
Họ bắt đầu vào năm 1992 và đến 1994 hệ thống kênh nước của ông Hoàng và người dân trong làng đã thành công. Phần kênh chính dài 7200m, kênh phụ dài 2200m và đặc biệt là đi qua 3 ngọn núi có vách đá cao lởm chởm. Địa hình khắc nghiệt nhưng cũng sinh quả ngọt trước ý chí của người đàn ông dành 36 năm trăn trở mang nguồn nước cứu dân làng.
Mương nước dài 9400m qua 3 ngọn núi cheo leo. (Ảnh: Sohu)
Tuy nhiên niềm vui chung của dân làng khi nguồn nước về cũng là nỗi mất mát to lớn trong cuộc đời của ông Hoàng. Trong thời gian cùng mọi người đào mương nước, con gái và đứa cháu nội của ông đã chẳng may gặp nân và qua đời. Phải nói là bi kịch đau lòng, mất mát khó lòng bù đắp nhưng người đàn ông đã vượt lên, đặt lợi ích chung của cả làng và nén lại nỗi đau cá nhân. Một nhân cách và tấm lòng quá lớn lao!
Điều đáng quý hơn nữa khi nghe ông chia sẻ về lý do kiên quyết đào mương nước dù biết bao khó khăn bủa vây: “Chúng ta không nên ngồi một chỗ để chờ đợi điều gì đó. Hàng chục năm trong cuộc đời tôi đã trôi qua vô nghĩa mà chẳng có điều kỳ diệu nào xảy ra hết”.
Lời chia sẻ của ông mới quý giá và đắt làm sao. Trong khi khó khăn ập đến, kẻ bất tài biếng lười sẽ phó mặc trôi theo hoặc kêu ca trách mắng số phận. Còn lại, người không ngại khó ngại khổ sẽ vững vàng đạp lên khó khăn, đi vào tận hang sâu núi thẳm để tạo nên điều kì tích. Nhớ câu chuyện tương tự về người đàn ông Ấn Độ đào đường qua núi để các con có đường tắt đến trường dễ dàng. Vì lòng thương, quyết tâm đã giúp ông làm nên kì tích.
Nếu không làm, mãi mãi chúng ta sẽ chẳng tạo ra điều gì đắt giá. Còn nếu làm nhưng thất bại, ít nhất sẽ thu nhận bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu. Rồi lại bắt tay lần nữa, vừa có kinh nghiệm lẫn sự quyết đoán thì núi cao vực thẳm cũng dẫn được nguồn nước mát lành.
Câu chuyện về người đàn ông dành 36 năm để nghiên cứu, bắt tay cùng mọi người đào mương nước không chỉ là tấm gương và lòng thương người, mà đó còn là bài học nhân sinh về tâm thế đối đầu khó khăn. Đời này có biết bao núi cao vực thẳm đang chờ đợi mỗi người, bởi vậy hãy noi theo suy nghĩ của cụ ông trong chuyện. Đừng ngồi không, lúc đó sẽ chẳng có kì tích nào xảy ra đâu. Hãy bắt tay và hành động, kiểm điểm, rồi làm lại.
Nguồn tham khảo: Sohu