Con gái đi lấy chồng xa về thăm nhà ngày Tết khiến bố mẹ nghẹn ngào, vỡ òa là đoạn clip được chia sẻ rộng rãi trong những ngày gần đây. Xem đoạn clip ngắn, nhiều chị em rưng rưng nỗi nhớ nhà khi phải đi xa.
Theo truyền thống, Tết là thời điểm để gia đình đoàn tụ. Cả năm có bận bịu, có đi trăm nơi ngàn dặm nhưng 3 ngày Tết thường tề tựu bên nhau, sống trong niềm vui của tình thân. Nói vậy để thấy, nhiều chị em phải lấy chồng xa hay đón tết bên nội bên ngoại nên lắm lúc phải nén nỗi nhớ nhà vì ngày đầu năm phải xa bố mẹ.Trong nỗi niềm đó, đoạn clip con gái đi lấy chồng xa về thăm nhà ngày Tết đã đánh trúng “tim đen” của nhiều chị em. Chỉ vài phút ngắn ngủi nhưng ai nấy cũng nghèn nghẹn khi thấy người mẹ già bất ngờ đến mức vỡ òa khi mở cửa và trông thấy con gái đang đứng trước mặt. Người con đã giấu chuyện về nhà, muốn tạo niềm vui bất ngờ cho mẹ nên đã âm thầm lái xe đường dài về nhà trong những ngày Tết. Điều đáng quý hơn nữa là cô con gái về cùng chồng và con bởi phần lớn phụ nữ phải đón Tết bên nội, hiếm khi có dịp được đưa cả gia đình nhỏ về thăm bố mẹ ruột.
(Ảnh: cắt từ clip)
Người phụ nữ tên Song đã cùng chồng con lái xe một quãng đường rất dài là 2800km để về thăm bố mẹ, đoàn tụ trong thời khắc đón năm mới. Cô hoàn toàn giấu kín với bố mẹ về kế hoạch này và phải đi nhiều ngày mới đến được nhà do quãng đường không dễ dàng gì để vượt qua bằng ô tô. Tấm lòng hiếu thảo, nghĩ đến cha mẹ trong ngày Tết của người phụ nữ này thật đáng quý, dù kết hôn có gia đình nhỏ nhưng vẫn luôn canh cánh hướng lòng về nhà.Cô cũng tự tay quay đoạn clip để ghi lại giây phút vỡ òa của mẹ ruột khi nhìn thấy con và cháu ngoại trước cửa nhà như một phép màu. Trong gian nhà ấy, nếu năm nay không có con cháu về thăm thì 2 ông bà già chỉ biết lủi thủi và bầu bạn trong cô độc để đi qua một cái Tết vắng con. Bởi thế, khi trông thấy cháu ngoại, người bà đã không kiềm được nước mắt, ẵm đứa bé vào lòng và liên tục xuýt xoa. Chẳng quà cáp gì có thể khiến bố mẹ vui vẻ, hạnh phúc và xúc động bằng việc được con cháu quay về đón Tết cùng.
Ông bà ngoại vỡ òa khi con và cháu về thăm nhà ngày Tết. (Ảnh: cắt màn hình)
Vốn là con gái một trong nhà nên từ ngày đi lấy chồng xa, hiếm hoi cô Song mới có dịp về thăm bố mẹ ngày Tết. Đoạn clip ngắn ghi lại cảnh bà ngoại rơi nước mắt khi cháu về thăm đã được dư luận Trung Quốc đón nhận rất tích cực, thậm chí còn hào hứng tạo nên phong trào về nhà ăn Tết, đoàn tụ gia đình. “Tôi còn 3 ngày phép và đã nộp đơn xin nghỉ rồi. Tôi phải về nhà sớm thôi”, “Bố mẹ ơi chờ con nhé, con đang trên tàu điện rồi” – một vài bình luận rất cảm động sau khi xem đoạn clip của cô Song.
(Ảnh: cắt màn hình)
Còn nhớ cách đây không lâu, câu chuyện về 1 sinh viên Trung Quốc đạp xe qua quãng đường 500km, xuyên 6 thành phố để về nhà đón Tết cùng gia đình cũng đã khiến nhiều người thích thú, suy ngẫm. Để không phải chen chúc trên những chuyến xe đường dài, anh chàng đã nảy ra sáng kiến độc đáo và kết thúc quãng đường dài bằng niềm vui đoàn tụ gia đình trong thời khắc năm mới.
Chàng trai đạp xe 500km về thăm nhà ngày Tết. (Ảnh: vnexpress)
Trong thực tế còn nhiều lắm những câu chuyện cảm động vượt trăm sông nghìn núi để về nhà với bố mẹ trong ngày Tết. Cứ bước qua rằm tháng Chạp là những người xa nhà lại chộn rộn trong lòng, chỉ đến khi đặt được chiếc vé về nhà mới tạm thở phào. Bao nhiêu công việc cũng gác lại, dành trọn những ngày nghỉ để vui vầy bên người thân.Đó là những người còn vui vẻ vì ít nhất được về bên bố mẹ trong ngày đầu năm nhưng còn nhiều chị em chỉ biết nén tiếng thở dài vì năm nay đón Tết nhà nội. Thử hỏi có mấy ai lấy chồng xa, được vỡ òa khi về nhà bố mẹ ruột đón Tết như câu chuyện của người phụ nữ lái xe 2800km ở trên?! Hay chỉ biết nằm ôm mặt khóc rưng rưng trong đêm giao thừa, nghe tiếng pháo đì đùng ngoài trời mà lòng cứ nhớ về những ngày còn sống với cha mẹ. Ăn Tết bên nội dù có thân tình cỡ nào nhưng ít nhiều cũng rơn cảm giác “ở nhà người ta”, chỉ là “khách” còn bố mẹ ruột ở nhà lại lủi thủi, chép miệng năm nay con cháu lại vắng.Cũng may mắn là vài năm trở lại đây, phụ nữ lấy chồng xa đã biết đòi “quyền lợi” cho mình. Thương lượng sòng phẳng với chồng “một năm Tết nội, một năm Tết ngoại” là cái kết mỹ mãn nhất nếu chị em nào đạt được, như câu chuyện của người phụ nữ cùng chồng con về thăm nhà bố mẹ ruột ở trên. Tết ở đâu cũng vui, miễn trong lòng mình vui và đặc biệt hơn là được quây quần, ăn bữa cơm ngày đầu năm cùng bố mẹ ruột.Nguồn bài viết tham khảo: ixigua