Một người chồng trẻ đã chia sẻ lên mạng xã hội hình ảnh quyển vở thống kê phí sinh hoạt lên tới 20 triệu đồng/ tháng của vợ, khiến nhiều người thấu hiểu được nỗi niềm của các bà nội trợ giữ tay hòm chìa khóa.
Chuyện chi tiêu trong nhà của các bà nội trợ, nam giới nhiều khi không hề hay biết sự cân đo đong đếm từng khoản từ nhỏ đến lớn của họ. Chỉ khi nhìn vào con số liệt kê cụ thể, nhiều ông chồng mới thực sự choáng váng.
Như gần đây, một ông chồng có tài khoản Facebook là N.H đã đăng tải một bài viết kèm theo những hình ảnh về các khoản chi tiêu của vợ hàng tháng khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Người này cho hay, cứ thấy cuối tháng vợ đi vay tiền, anh ta nghi ngờ bà xã mình đem tiền cho trai, nên đã kiểm tra, không ngờ vợ đưa bản thống kê sinh hoạt phí gia đình khiến anh chồng cảm thấy “đau điếng”.
Dòng chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người xôn xao
Hình ảnh chụp cho thấy, mỗi khoản chi tiêu được ghi lại chi tiết cụ thể theo từng ngày. Ngày hôm nay mua gì, bao nhiêu tiền, ở đâu, thời gian nào đều được “đóng dấu” lại. Từ các việc nhỏ nhặt gồm mua quần áo, sách vở, mua mắm mua muối, mua cá mua thịt,…cho đến các khoản lớn có thể kể là tiền học phí cho con, tiền điện, tiền nước, tiền mạng,...
Như vậy, trong một tháng có vô số khoản chi tiêu lớn nhỏ chưa kể các khoản phát sinh khác mà không hề lường trước được như: ma chay, hiếu hỉ, thăm hỏi, các khoản dự phòng ốm đau, bệnh tật,…, nên con số tổng lên tới 20 triệu đồng/ tháng là có thể hiểu được.
Các khoản chi tiêu từng ngày trong tháng được liệt kê rõ ràng.
Nhìn bảng thống kê tỉ mỉ từng khoản trên mới thấy người phụ nữ trong gia đình quả thật là “kế toán” tài ba khi có thể thu chi vừa vặn cả tháng.
Từ những khoản nhỏ như tiền gửi xe, mua cái kẹp, bút cho con, con cá, miếng thịt cho đến tiền học, tiền điện, nước đều được bà vợ đảm đang này ghi lại rõ ràng.
Chỉ có chi phí sinh hoạt hàng ngày mà tổng số tiền đã lên tới ngót nghét 20 triệu đồng
Ngay khi đọc những dòng tâm sự và hình ảnh chia sẻ của ông chồng N.H, hầu hết các chị em đều gật gù đồng tình, còn một số ông chồng thì không khỏi ngạc nhiên. Bởi chỉ vài chục ngàn đồng mua mắm mua muối thế mà cả tháng bỏ ra lên tới hơn chục triệu đồng.
Thậm chí, không ít bà vợ còn “ghim” tên chồng mình vào bên dưới bài viết để chứng minh đừng nói vì sao vợ tiêu hoang này nọ thế kia, hay chồng đưa cả tháng lương mà vẫn kêu không đủ.
“Nhiều khi cứ bị bố mẹ so sánh, bố mẹ tiêu 3 triệu/ tháng còn thoải mái, chúng mày tiêu hoang nọ kia. Dẫu biết là kinh tế ngày càng khó khăn trong khi cuộc sống có bao nhiêu thứ phải lo nhưng có những khoản như ăn, mặc, ở, tiền bỉm sữa, học hành của con cái chẳng thế nào cắt đi được. Tiền chồng đưa thì có mức cố định rồi, nhiều hôm cứ đến 20 hàng tháng là hoang mang, chẳng may phát sinh một cái đám cưới thôi là lại bị âm tiền ngay. Nhiều lúc chả dám kêu than với chồng sợ lại nghe phàn nàn tiêu hoang phí”, chị M.L chia sẻ.
“Tiêu tiền cũng phải cả một trời nghệ thuật của việc suy nghĩ tính toán… Tháng trước mình cũng học mọi người ghi lại toàn các khoản chi tiêu từ 2.000 hành, 3.000 gửi xe đến tiền triệu. Cuối tháng tổng kết mới thấy sợ lương hai vợ chồng 11 triệu mà tiêu hết những 17 triệu đồng. Mong các ông chồng thấy bảng chi tiêu này mà thông cảm cho các bà vợ, cứ bảo sao tháng nào cũng phải nghe ca thán hết tiền”, một bạn khác chia sẻ.
Nếu không tự tay chi tiêu, chắc hẳn các ông chồng sẽ không hiểu nỗi khổ tính toán sinh hoạt phí của gia đình. (Ảnh minh họa)
Quả thật, việc chi tiêu trong gia đình không nằm ở việc lương vợ chồng cao hay thấp mà nằm ở việc “cân đo đong đếm” khéo léo sắp xếp chi tiêu ra sao cho vừa khuôn. Chuyện tiền bạc trong gia đình là vấn đề nhạy cảm, kể cả khi đã là vợ chồng vẫn cần sự rạch ròi về kinh tế để vợ chồng không hiểu lầm, khó chịu hay mâu thuẫn.
Theo Nguyễn Liên / Webtintuc